Tất tần tật những điều cần biết về cách chăm sóc da dầu

1. Nguyên nhân gây ra da dầu

Da dầu hình thành khi lượng bã nhờn bị tiết ra quá nhiều trên bề mặt da. Lúc này, tuyến bã nhờn hoạt động mạnh tạo thành các giọt như mỡ, bị thải qua lỗ chân lông, từ đó làm lỗ chân lông nở to ra.

Có rất nhiều nguyên nhân làm tăng tiết bã nhờn và gây ra tình trạng bóng dầu trên da mặt, như:

- Do di truyn

- Lạm dụng quá nhiều sản phẩm dưỡng da: sử dụng quá nhiều sản phẩm chăm sóc da dẫn tới việc da sẽ cảm thấy “quá tải”, từ đó các tuyến bã nhờn dưới da sẽ tăng hiệu suất hoạt động để đào thải bớt ra ngoài. Chính điều này đã gây ra các vấn đề nổi mụn và đổ dầu trên da.

- Thay đổi theo mùa: vào mùa xuân và hè thì nhiệt độ và độ ẩm tăng cao, khiến tuyến bã nhờn hoạt động nhiều hơn, sản sinh lượng dầu trên da nhiều hơn so với mùa đông.

- Tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều: da bạn khi tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều sẽ gặp tình trạng mất nước. Lúc này, cơ thể tự động tiết ra nhiều dầu để cân bằng lại độ ẩm, khiến tình trạng dầu trên da tăng nhiều hơn.

- Thay đổi hormone: phụ nữ khi bước vào thời kỳ mang thai, trước và sau mãn kinh hoặc các bạn bước vào tuổi dậy thì sẽ thay đổi lượng hormone trong cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân khiến da bạn đổ nhiều dầu hơn.

- Stress: sự căng thẳng khiến cơ thể bài tiết ra hormone Androgen, dẫn đến sản xuất dầu nhiều hơn.

- Các loại thuốc: một số thuốc gây mất nước trong cơ thể. Điều này dẫn đến việc da phải sản xuất dầu nhiều hơn để bù đắp cho việc mất độ ẩm tự nhiên.

- Thiếu hụt Biotin: đây là một rối loạn dinh dưỡng hiếm có, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

2. Cách nhận biết da dầu

Những người sở hữu làn da dầu thường có bề mặt da bóng nhờn, rõ nhất là ở vùng chữ T (cánh mũi, cằm, trán, cổ).

Do lượng bã nhờn sản sinh ra quá nhiều khiến lỗ chân lông nở to, khiến bụi dễ bám vào da, từ đó làm tăng nguy cơ bị mọc mụn.

TIP nhỏ để biết bạn có phải thuộc “team” da dầu hay không, bạn có thể sử dụng một miếng giấy thấm dầu và làm theo các bước sau:

Bước 1: Rửa sạch mặt sau đó đợi khoảng 30 phút

Bước 2: Lấy giấy thấm dầu lau mặt. Nếu da dầu bạn sẽ thấy tờ giấy dính và thấm dầu ngay lập tức. Nếu da bạn thuộc da hỗn hợp thì sẽ thấy chỉ có một lượng dầu nhỏ trên giấy. Nếu da bạn khô thì tất nhiên, tờ giấy sẽ hoàn toàn sạch.

3. Phân loại da dầu

Da dầu được chia làm 3 dạng:

- Da dầu không bài tiết được

Đây là loại da không bóng nhờn, nhưng lỗ chân lông bị bít kín khiến bụi bẩn, dầu thừa bị ứ đọng lại, không bài tiết ra được, khiến da sần sùi, lốm đốm đen, sờ vào rất cứng. Đối với các bạn sở hữu loại da này cần phải rửa mặt thật sạch bằng sữa rửa mặt chuyên sâu, tẩy da chết thường xuyên để loại bỏ bớt cặn bã trên bề mặt lỗ chân lông, giải phóng bã nhờn.

- Da dầu bài tiết quá nhiều

Đây là loại da điển hình nhất. Bề mặt da bóng láng, lỗ chân lông nở to và rất dễ bị mụn trứng cá. Với loại da này khi ra đường cần phải bịt kín để tránh bụi bẩn tiếp xúc với da, chăm rửa sạch mặt và phải có chế độ ăn uống ngủ nghỉ hợp lý để tránh tăng tiết nhờn và gây mụn.

- Da dầu vì thiếu nước

Da bị dầu thực chất là một làn da thiếu nước. Khi da quá khô không đủ nước, cơ chế của da sẽ tự sản sinh ra dầu nhờn để tăng cường độ ẩm bảo vệ da. Vì thế, ngoài việc hạn chế tiết dầu, cân bằng da thì việc cung cấp ẩm cho loại da này là yếu tố không thể thiếu.

4. Da đổ nhiều dầu có gây ra vấn đề gì không?

Da dầu không gây ra các biến chứng về sức khỏe. Việc sở hữu một làn da dầu chỉ khiến bạn thường gặp các vấn đề về mụn, dị ứng, nặng hơn là viêm da và khiến bạn cảm thấy ngại ngùng khi giao tiếp.

Nếu bạn cảm thấy lo ngại về làn da, hãy tới gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn cụ thể hơn nhé!

5. Cách chăm sóc da dầu đúng cách

5.1 Làm sạch da

Làm sạch da là một bước không thể thiếu để có một làn da khỏe mạnh. Da càng sạch, càng khỏe thì lại càng ít tiết bã nhờn, gây bóng dầu và bí tắc lỗ chân lông.

Các bước làm sạch da bao gồm: 

- Tẩy trang: đây là bước không thể thiếu cho dù bạn có trang điểm hay không, bởi nó sẽ giúp loại bỏ đi lớp bụi bẩn, dầu thừa trên da. Nó được xem là lớp đệm quan trọng nâng cao hiệu quả làm sạch da, giúp da thông thoáng và tạo một lớp đệm tốt để da hấp thụ dưỡng chất ở các bước tiếp theo.

Lựa chọn tẩy trang dịu nhẹ, dạng nước, sáp hoặc gel sẽ phù hợp hơn so với dạng dầu để tránh quá trình bạn nhũ hóa chưa hoàn toàn sẽ làm da đổ dầu thêm.

- Rửa mặt: sau bước tẩy trang thì sữa rửa mặt là một phần không thể thiếu để làm sạch sâu hơn. Bạn cần lựa chọn các sản phẩm dành riêng cho da dầu, không chứa độ kiềm cao để tránh gây kích ứng da. 

Một số lưu ý khi làm sạch da dầu:

- Khi rửa mặt hay tẩy trang thì bạn NÊN massage nhẹ nhàng, tránh chà xát gây tổn hại cho da. 

- Rửa mặt bằng nước ấm tối đa 3 lần/ngày để loại bỏ dầu thừa trên da, sau đó rửa lại bằng nước lạnh để se khít lỗ chân lông.

- Sử dụng các dụng cụ rửa mặt như cọ rửa mặt, máy rửa mặt sẽ làm tăng hiệu quả loại bỏ dầu thừa trên da.

5.2 Tẩy tế bào chết

Các lớp tế bào chết là địa điểm lý tưởng cho vi khuẩn, mụn ẩn trú ngụ. Vì vậy, loại bỏ đi lớp này vừa giúp da sạch hơn, lại vừa giúp da thông thoáng hơn và hạn chế gặp phải các vấn đề về mụn.

Nên tẩy tế bào chết ít nhất 2 lần/tuần. Bạn có thể sử dụng các sản phẩm tẩy da chết chuyên sâu, hoặc áp dụng các phương pháp tẩy da chết tại nhà bằng các nguyên liệu thiên nhiên.

Hãy nhớ rằng, dù lựa chọn áp dụng phương pháp nào thì cũng nên lưu ý tránh để làn da bị kích ứng. Nếu áp dụng mà thấy da bị rát, mẩn đỏ và mụn lên nhiều thì nên đổi phương pháp tẩy da chết khác.

5.3 Sử dụng toner

Toner giúp cân bằng độ pH cho da và là bước cuối cùng trong quá trình làm sạch da. Đây là bước giúp làm mới làn da, thu nhỏ lỗ chân lông, giúp da mềm để dễ thấm các dưỡng chất ở bước sau được thẩm thấu tốt hơn.

Ngoài ra, toner cũng giúp da bạn sáng, trắng và bóng khỏe hơn.

Những sản phẩm toner chiết xuất từ trà xanh, tràm trà, cây phỉ… là sự lựa chọn hoàn hảo cho da dầu. Những thành phần này đều có tác dụng trị mụn và kiểm soát dầu cực hiệu quả.

5.4 Dùng mặt nạ

Mặt nạ đất sét là loại mặt nạ được khuyên dùng dành cho các bạn sở hữu da dầu. Đất sét có khả năng làm sạch sâu, hút dầu thừa và bụi bẩn trên da.

Tuy nhiên, cũng vì khả năng hút dầu của mình mà nếu bạn để chúng lâu trên da, chúng sẽ vô tình hút hết cả lớp ẩm cần thiết. Vì vậy, chỉ nên sử dụng mặt nạ đất sét 1-2 lần/tuần, mỗi lần 15 phút

Khi thấy mặt nạ trên da đã khô lại thì NÊN rửa mặt ngay bạn nhé!

5.5 Sử dụng serum đặc trị cho da dầu

Đây là bước chuyên sâu giúp giải quyết các vấn đề trên da của bạn như mụn, thâm, khô,...Lựa chọn đúng serum phù hợp với da dầu, cũng như các vấn đề mà bạn muốn “xử lý” để tránh lãng phí mà lại đem lại hiệu quả không mong muốn.

5.6 Dưỡng ẩm

Kem dưỡng ẩm là một lớp màng bảo vệ da khiến vi khuẩn không thể xâm nhập. 

Nhiều bạn cho rằng khi da bạn đã đổ dầu thì việc dưỡng ẩm là không cần thiết, khiến da chỉ càng đổ dầu hơn. Tuy nhiên, đây là một quan điểm HOÀN TOÀN SAI.

Một trong những nguyên âm khiến da đổ dầu nhiều là do da bạn thiếu ẩm trầm trọng, vì vậy da sẽ tiết dầu để cân bằng. Việc cấp ẩm sẽ giúp da “không” phát ra tín hiệu cầu cứu nữa, các tuyến bã nhờn sẽ không “hoạt động” tích cực để tiết ra quá nhiều dầu trên da. 

Một số lưu ý khi lựa chọn kem dưỡng ẩm:

- NÊN lựa chọn các sản phẩm dưỡng ẩm mỏng, nhẹ, dạng gel để vừa cấp ẩm lại vừa giúp da không bị bí, tắc và nổi mụn.

- Chọn những sản phẩm KHÔNG chứa dầu (oil-free)

- Sử dụng lượng kem dưỡng ẩm vừa đủ trên da. Nếu lạm dụng quá sẽ khiến phản tác dụng, khiến da đổ dầu nhiều hơn và lên nhiều mụn hơn.

- KHÔNG sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm chứa cồn.

5.7 Kem chống nắng

Bất cứ loại da nào thì cũng cần sử dụng kem chống nắng để tránh bị đen da, bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím có hại. Với da dầu, các nàng nên lựa chọn những loại kem chống nắng có kết cấu mỏng nhẹ, không gây bí da làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

6. Một số lưu ý để giúp da đổ dầu ít hơn

- Rửa mặt sau khi đổ nhiều mồ hôi

- Sử dụng giấy thấm dầu: nếu da bạn đổ quá nhiều dầu thì việc sử dụng giấy thấm dầu là cần thiết. Chỉ cần đặt nhẹ lên mặt vài giây là chúng đã hấp thụ hết dầu, bã nhờn và giúp giảm tình trạng nổi mụn trên da.

- Sử dụng xịt khoáng để cấp ẩm nhanh cho da, nhất là khi bạn thường xuyên ngồi phòng điều hòa.

- Chế độ ăn hợp lý: hạn chế sử dụng các thực phẩm tăng tiết dầu nhờn như đồ uống có cồn, đồ ăn nhiều dầu mỡ,...Bổ sung nhiều hoa quả, rau xanh để cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho da.

- Hạn chế căng thẳng, stress: tinh thần căng thẳng, stress khiến hoạt động của tuyến bã nhờn dưới da mạnh hơn, khiến sức khỏe làn da suy yếu. Vì thế, việc hạn chế căng thẳng, stress cũng là điều cần thực hiện để cải thiện da dầu.

KẾT

Chọn đúng sản phẩm dưỡng da, chăm sóc da sẽ khiến da bạn mịn màng, khỏe mạnh hơn, nhất là đối với làn da dầu.